Giới thiệu về đất nước Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia đông thứ 11 thế giới, đồng thời là một trong những quốc gia có mật độ dân số và đô thị hóa cao nhất. Khoảng 3/4 địa hình của Nhật Bản là đồi núi, tập trung dân số 125,44 triệu người trên các đồng bằng nhỏ hẹp ven biển.
1. Tên gọi và vị trí
 
Nhật Bản đương nhiên có tên gọi là Nhật Bản và tên quốc tế theo tiếng Anh gọi là Japan. Nhật Bản nằm ở khu vực Đông Á (phía đông của Châu Á) và là một đảo quốc (4 phía đều là biển). Nước Nhật có thể coi là tập hợp của rất nhiều đảo lớn nhỏ (6852 đảo) mà thành trong đó chỉ có 4 đảo lớn còn lại là rất nhiều đảo nhỏ.
 
2. Các khu vực và tỉnh thành
 
Nhật Bản chia ra làm 8 vùng là Hokkaido, Tohoku, Kanto, Chubu, Chugoku, Kinki, Shikoku và Kyushu. 8 vùng này có các tỉnh bên trong và tổng cộng có 47 tỉnh thành ở Nhật Bản gồm: Hokkaido, Iwate, Aomori, Miyagi, Akita, Yamagata, Fukushima, Gunma, Ibaraki, Tochigi, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Niigata, Toyama, Ishikawa, Fukui, Yamanashi, Nagano, Gifu, Shizuoka, Aichi, Mie, Shiga, Kyoto, Osaka, Nara, Hyogo, Wakayama, Tottori, Shimane, Okayama, Tokushima, Hiroshima, Yamaguchi, Kagawa, Ehime, Saga, Kochi, Fukuoka, Nagasaki, Kumamoto, Kagoshima, Oita, Miyazaki, Okinawa.
 
 
3. Khí hậu ở Nhật Bản
 
Khí hậu ở Nhật Bản nhìn chung là rất lạnh vào mùa đông và khá nóng vào mùa hè. Mùa đông nền nhiệt độ trung bình ở Nhật Bản thường ở mức 0 độ C và có băng tuyết bao phủ. Mùa hè nhiệt độ trung bình vào khoảng 27 độ C, những lúc nắng nóng cao điểm có thể lên đến 33 độ C. Khu vực lạnh nhất ở Nhật Bản là Hokkaido ở phía bắc và khu vực ấm nhất là Okinawa ở phía nam.
 
4. Tôn giáo
 
Nhật Bản là đất nước với rất nhiều tôn giáo khác nhau. Người Nhật thường không nhất thiết phải theo một tôn giáo mà họ có thể theo nhiều tôn giáo khác nhau. Theo thống kê hiện nay thì Phật giáo (48%) và Thần đạo (46%) là hai tôn giáo chính ở đất nước này. Tuy nhiên, có rất nhiều người theo cả hai tôn giáo này chứ không phải cứ theo Phật giáo là họ sẽ không thể theo Thần đạo và ngược lại. Vì thế, trong gia đình người Nhật bạn có thể thấy người Nhật đi chùa đầu năm (Phật giáo) nhưng khi tổ chức hôn lễ họ lại làm theo nghi thức của Thần đạo.
 
5. Chính trị
 
Nền chính trị ở Nhật Bản theo hệ thống quân chủ lập hiến tức là có vua (hoàng đế) nhưng quyền lực lại nằm trong tay Thủ tướng và các nghị sĩ được người dân bầu ra. Thiên hoàng hiện nay (hoàng đế) là Naruhito và thủ tướng Nhật Bản là ông Abe Shinzo. Thiên hoàng Nhật chỉ mang tính biểu tượng nên nếu nói tới thiên hoàng Nhật là ai sẽ có khá ít người biết trong khi thủ tướng Nhật thì hầu như mọi người đều khá quen thuộc.
 
6. Tiếng Nhật
 
Nhật Bản có ngôn ngữ chính là tiếng Nhật. Nếu nói về độ khó khi học tiếng Nhật thì tiếng Nhật có thể xếp vào một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới. Tiếng Nhật có 3 bảng chữ cái là Hiragana, Katakana và Kanji. Trong đó bảng chữ cái Kanji chính là kiểu chữ Hán tự (chữ Trung Quốc). Do đó, nhiều người biết tiếng Trung đôi khi vẫn đọc hiểu được tiếng Nhật vì chữ Kanji được sử dụng khá nhiều ở Nhật Bản.
 
 
7. Kinh tế
 
Nhật Bản là đất nước có nền kinh tế rất phát triển. Đã có thời điểm kinh tế Nhật Bản xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ và được nhận định là một trong những nền kinh tế chỉ huy của Thế giới. Sau này, kinh tế Nhật Bản đã không còn đứng vững ở vị trí thứ 2 do sự liên minh và một số nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, sự quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản đối với nền kinh tế thế giới là không thể phủ nhận.
 
8. Những nét đặc trưng
 
Sau khi đã điểm qua những nét chính về nước Nhật như tên gọi, cơ cấu hành chính, khí hậu, chính trị, kinh tế, tôn giáo thì những nét đặc trưng của Nhật Bản cũng là những điểm mà các bạn không thể bỏ qua. Nhật Bản có rất nhiều điểm đặc trưng nổi tiếng mà khi nhắc đến Nhật Bản người ta sẽ nghĩ ngay tới quốc gia này:
 
Động đất: ở Việt Nam động đất khá hiếm nhưng ở Nhật Bản thì động đất lại xảy ra rất thường xuyên, nếu tính cả các trận động đất lớn nhỏ thì trung bình mỗi ngày ở Nhật Bản có khoảng 4 trận động đất.
 
Núi lửa: do nền địa chất của Nhật Bản nên có rất nhiều núi lửa đang hoạt động ở quốc gia này. Các ngọn núi lửa ở Nhật Bản cũng thường phun trào tuy nhiên với hệ thống cảnh báo núi lửa nên rất hiếm khi có người thiệt mạng do núi lửa phun trào ở Nhật Bản. Nói thêm là núi Phú Sĩ cũng là một ngọn núi lửa đang trong thời kỳ hoạt động ở Nhật.
 
Hoa anh đào: đây không phải quốc hoa của Nhật Bản nhưng sự nổi tiếng của nó còn hơn thế nữa. Khi nhắc tới hoa anh đào, chắc chắn ai cũng nghĩ ngay tới loài hoa này có nguồn gốc từ nước Nhật.
 
Samurai: cái tên Samurai có thể nói là một tầng lớp ở Nhật Bản trước đây. Tầng lớp này nổi tiếng với tinh thần võ sĩ đạo và tinh thần này thậm chí còn ảnh hưởng rất lớn tới lối sống, lối suy nghĩ của người Nhật hiện nay.
 
Kimono: đây là trang phục truyền thống của người Nhật. Kimono được người Nhật cách tân theo nhiều kiểu dáng khác nhau khiến cho trang phục truyền thống này được yêu thích ở khắp nơi trên thế giới. Khi nhắc đến Kimono thì gần như ai cũng biết đây là trang phục truyền thống của Nhật.
 
Truyện tranh: một nét đặc trưng của Nhật Bản chính là có rất nhiều truyện tranh với đủ mọi thể loại. Có rất nhiều truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới và bán được hàng triệu bản cho mỗi tập truyện mới phát hành tại Nhật. Một số truyện tranh rất nổi tiếng được nhiều người Việt biết đến như One Piece, Naruto, thám tử lừng danh Conan, Bleach – sứ giả thần chết, Doremon, 7 viên ngọc rồng, Slam Dunk, Jindo – đường dẫn bóng tới khung thành, Onizuka, …
 
Mèo may mắn: nếu nói đâu là biểu tượng may mắn phổ biến nhất ở Nhật Bản thì các bạn có thể nói ngay đó chính là mèo may mắn Maneki neko. Ngoài tác dụng mang lại may mắn chú mèo này còn giúp chiêu tài lộc nên còn được gọi là mèo thần tài.
 
Sumo: hình ảnh những võ sĩ sumo thi đấu luôn gây ấn tượng không nhẹ với rất nhiều người. Sumo là một môn võ cổ truyền của Nhật Bản sử dụng hình thể to lớn với những đòn đẩy cực kỳ mạnh mẽ. Những đấu sĩ sumo thường có thể hình rất to béo. Trọng lượng của một võ sĩ sumo thậm chí có thể lên đến 200kg. Võ sĩ sumo nặng nhất được ghi nhận có trọng lượng xấp xỉ 400kg và là võ sĩ nặng nhất thế giới.
 
Origami: đây là nghệ thuật gấp giấy của người Nhật với phong cách gấp rất tinh tế được người Nhật phát huy đến cao độ. Chính vì thế, nghệ thuật gấp giấy của người Nhật rất nổi tiếng trên thế giới được gọi chung là Origami. Nghệ thuật gấp giấy này có nhiều trường phái khác nhau tuy nhiên các sản phẩm gấp giấy theo phong cách này đều rất đẹp và mang tính thẩm mỹ cao.
 
Rượu sake: mỗi quốc gia đều có những loại rượu riêng nhưng để nổi tiếng đến mức trở thành đặc trưng của một quốc gia thì có lẽ không nhiều. Trong đó, rượu sake chính là một loại rượu đặc trưng của người Nhật được thế giới biết đến khá rộng rãi.
 
Lễ hội truyền thống: một đặc trưng khác của Nhật Bản chính là các lễ hội truyền thống. Cũng giống như các quốc gia khác, lễ hội truyền thống của Nhật có màu sắc riêng và được tổ chức theo từng địa phương. Có một số lễ hội ở Nhật được tổ chức với quy mô rất lớn và thậm chí lễ hội có thể kéo dài cả tháng trời. Điều mang lại sức hút cho các lễ hội ở Nhật chính là việc tổ chức công phu hoành tráng mà vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có của lễ hội.
 
Shinkansen: theo định nghĩa về Shinskansen thì đây là loại tàu cao tốc ở Nhật Bản có tốc độ đi trên 200km/h. Shinkansen chính là một điểm đặc trưng của người Nhật được coi như bước tiến vượt thời đại. Shinkansen ở NHật vận chuyển hàng tỉ lượt khách mỗi năm và nó luôn đến đúng giờ. Theo tính toán thì các tuyến Shinkansen ở Nhật chỉ tới bến trể với thời gian trung bình khoảng 36 giây mà thôi.
 
Văn hóa cúi đầu: văn hóa cúi đầu của người Nhật chắc không cần phải nói nhiều. Người Nhật cúi đầu khi chào hỏi nhau, khi xin lỗi và khi thể hiện sự kính trọng với người khác. Việc cúi đầu này có rất nhiều ý nghĩa nhưng đôi khi nó lại là một nghi thức văn hóa khá rờm rà. Đã có thời điểm người Nhật cân nhắc từ bỏ việc cúi đầu này nhưng cho tới nay thì văn hóa cúi đầu của người Nhật vẫn được giữ lại và là một nét đặc trưng của Nhật Bản.
 
Onsen: tắm suối nước nóng thì có rất nhiều quốc gia có và ngay cả Việt Nam cũng có loại hình này. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thì tắm suối nước nóng rất phổ biến với nhiều hình thức và dịch vụ tắm. Thậm chí có cả những khu tắm onsen công cộng với mức phí rất rẻ. Nếu nói tới việc trải nghiệm onsen theo đúng kiểu của Nhật Bản thì onsen là các khu tắm suối nước nóng ngoài trời và trước khi vào tắm bạn cần phải tắm sạch sẽ sau đó với được vào khu Onsen. Khi vào các khu Onsen thường người tắm chỉ được mang theo khăn tắm chứ không được mặc quần áo.
 
Ngoài những điểm đặc trưng trên, vẫn còn rất nhiều thứ đặc trưng mà Lao Động Việt Nhật muốn giới thiệu về Nhật Bản cho các bạn biết như chiếu tatami, cỏ 4 lá, daruma, ninja… Tuy nhiên, bài viết quá dài các bạn cũng lười đọc và cũng không nhớ được hết. Do đó, bài giới thiệu về đất nước Nhật Bản chúng ta tạm dừng tại đây nhé. Bạn có thể comment các điều về Nhật Bản mà bạn thấy còn thiếu trong bài để mọi người cùng biết. Cảm ơn mọi người đã đóng góp cho bài viết này.